Hiện có rất nhiều hộ dân tại Hà Nội, nhất là khu vực ngoại thành đang phải sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, đợt khảo sát thực trạng nước ngầm của Hà Nội mới đây cho thấy, việc quản lý chất lượng nước ngầm vẫn còn bỏ ngỏ.
Cùng với việc suy giảm về lượng, nguồn nước ngầm còn bị suy giảm về chất và ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Ô nhiễm lan rộng
Cũng như nhiều gia đình sinh sống ở xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (thôn An Thái, xã Đại Mỗ) do không có nước máy nên phải dùng nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt. Để có nước sạch dùng hàng ngày, hầu hết các hộ dân đều bơm nước từ giếng khoan lên bể lọc bằng sỏi, đá cuội, cát để lắng nước trong sau đó mới đưa vào bể chứa và ra vòi sử dụng. Ông Sơn cho biết, mặc dù nước giếng khoan đã được lọc kỹ, để lâu có màu vàng đục, nước vẫn có mùi tanh nhưng do không còn nguồn nước nào khác nên gia đình ông vẫn phải sử dụng. Không những thế, gia đình ông Sơn có 7 phòng trọ cho thuê, các hộ thuê phòng đều phải dùng nước giếng khoan. Thậm chí, bơm nước, lọc nước suốt ngày đêm vẫn không đủ sử dụng.
Đại Mỗ chỉ là một trong nhiều khu vực của thành phố đã và đang phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, nhưng chất lượng nước như thế nào hầu như không ai được biết. Để đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát tại gần 200 giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp và 1.000 giếng khoan khai thác nước nhỏ lẻ, trong đó có giếng khoan Unicef của các hộ gia đình. Kết quả kiểm tra, phân tích 150 mẫu nước được lấy từ các điểm khoan cho thấy, diện tích nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang có dấu hiệu lan rộng. Tại khu vực phía Tây Hà Nội và khu vực các huyện ngoại thành, nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu đều bị ô nhiễm.
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc & Dự báo Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng khẳng định, mực nước ngầm tại Hà Nội đang sụt giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, nước ngầm ở khu vực Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có hàm lượng amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ở Tân Lập (huyện Đan Phượng), hàm lượng này gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng mangan, asen đều vượt tiêu chuẩn.
Sớm đưa vào quản lý chặt
Mặc dù có quy định xây dựng vùng bảo vệ đối với các công trình khai thác nước, tuy nhiên, theo Sở TN&MT Hà Nội, do quỹ đất hạn hẹp nên việc này không được thực hiện. Tại các khu dân cư, tình trạng giếng khoan tự phát chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc khai thác và sử dụng tùy tiện. Tại các khu, cụm công nghiệp, đơn cử như KCN Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai), KCN Sài Đồng B (quận Long Biên), hệ thống thu gom xử lý nước thải không hiệu quả, khiến nước ngầm ô nhiễm nghiêm trọng.
Việc quản lý nguồn nước ngầm có thể coi là “bài toán khó″ bởi những bất cập trong khâu quản lý. Trong các khu dân cư, giếng khoan nhỏ lẻ mọc lên rất nhiều, nhưng, thành phố hiện chưa có quy định quản lý. Phần lớn giếng khoan nhỏ lẻ, giếng khoan của hộ gia đình chưa phải xin cấp phép, chưa có hướng dẫn đối với việc khai thác lẫn sử dụng.
Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, để bảo vệ nguồn nước ngầm, Sở TN&MT đang xin ý kiến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng vùng bảo vệ đối với các công trình khai thác nước ngầm. Dự kiến sẽ có các điều khoản quy định, khi người dân muốn khoan giếng nhỏ lẻ phải xin phép. Trong quá trình cấp phép, cơ quan chức năng sẽ xem xét, hướng dẫn người dân cách khoan giếng và xây dựng vùng bảo vệ để hạn chế nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn, tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Ở các dãy trọ, một giếng khoan có thể có đến hàng chục hộ cùng sử dụng khiến các loại tạp chất thải ngay tại khu vực khoan, ngấm xuống các tầng chứa nước ngầm, khiến chất bẩn lan nhanh trong các tầng chứa nước. Trích “Ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội”
Theo: ktdt.com.vn