Nguyên nhân khiến nguồn nước Hà Nội bị nhiễm bẩn là thành phố phải chịu quá nhiều lỗ khoan
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cho biết, ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Hà Nội có nơi lên gấp 40 lần so với mức cho phép. Ô nhiễm amôni cũng vượt mức cho phép từ 20 đến 30 lần. Cùng với đó, tốc độ lún ở một số điểm trong thành phố cũng đã đến mức báo động.
Về cơ bản, nguồn nước ngầm tự nhiên ở Hà Nội là sạch dù lượng sắt và mangan trong nước khá lớn. Điều đáng quan tâm hiện nay là hàm lượng asen, amôni sinh ra từ chất hữu cơ, xác động vật, chất thải lỏng và rắn… trong nước quá cao. Những nơi ô nhiễm asen cao là huyện Đan Phượng: Cao hơn 40 lần; khu vực Nam Dư, huyện Thanh Trì cao gấp 10 đến 20 lần. Nước nhiễm khuẩn, nhiễm E.Coli cũng được ghi nhận ở các khu đô thị mới như Trung Hòa – Nhân Chính, Đại Kim, Mễ Trì, Định Công, Linh Đàm.
Nguyên nhân khiến nguồn nước Hà Nội bị nhiễm bẩn là thành phố phải chịu quá nhiều lỗ khoan: Khoan thăm dò, khai thác, lỗ khoan do xây dựng và cả một phần do khai thác nước nhiều, dẫn tới nước chảy mạnh, tốc độ thấm nước nhanh hơn kéo theo các chất bẩn ngấm vào nguồn nước và tình trạng lún cục bộ ở các khu vực.
Số liệu quan trắc tại Hạ Đình, quận Thanh Xuân cho thấy, mực nước dưới đất đang thấp hơn mực nước sâu nhất cách mặt đất quan trắc tại trung tâm bãi giếng Hạ Đình là 35,35m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,8m.
Nguồn: báo Lao Động