Năm 2011 là năm đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NS & VSMT nông thôn giai đoạn III (2011-2015). Một số cơ chế, chính sách về tài chính chưa được điều chỉnh phù hợp; Bộ máy thực hiện chương trình tại địa phương còn chưa đồng bộ; Địa bàn triển khai thực hiện chủ yếu là những vùng khó khăn; Tình hình lạm phát, giá cả leo thang…Tình hình biến đổi khí hậu cũng tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện chương trình
Tính đến ngày 8/11, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành một số kế hoạch được giao thực hiện trong năm 2011, với tổng kinh phí là 4,6 tỷ đồng thuộc nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia NS & VSMT nông thôn cho các hoạt động Truyền thông, Tập huấn phổ biến kiến thức, và Hướng dẫn phổ biến công nghệ về NS & VSMT nông thôn;
Theo báo cáo về kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh nông thôn của 63 tỉnh, thành phố, đã có 52 tỉnh, thành, hoàn thành tổng hợp số liệu toàn tỉnh; 9 tỉnh thực hiện hơn 50% số xã/huyện và 2 tỉnh thực hiện < 30% số xã/huyện; với phạm vi đã thực hiện: 14,778 nghìn hộ/59,533 nghìn người. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng cho việc lập kế hoạch thực hiện Chương trình cũng như Chiến lược quốc gia CN & VS nông thôn trong những năm tiếp theo;
Đã đề xuất đưa nội dung nghiên cứu khoa học, công nghệ mới sử dụng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vào đề tài nghiên cứu 2 dự án thí điểm về ứng dụng bơm GRUNFOS sử dụng năng lượng gió và mặt trời tại Thái Nguyên; công nghệ Carocell khử muối, tinh lọc nước dùng năng lượng mặt trời tại Hải Phòng. Tổ chức các lớp tập huấn sử dụng năng lượng tự nhiên, sạch, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho các địa phương; Hướng dẫn xây dựng, sử dụng các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh cho vùng ngập lụt Đồng bằng sông Cửu Long; Hướng dẫn một số phương pháp xử lý nước sinh hoạt khẩn cấp cho nhân dân vùng bị lũ lụt; cải thiện cấp nước, xử lý nước, trữ nước hộ gia đình;
Duy trì và phát triển Mô hình Công ty cổ phần ở 4 tỉnh thuộc Dự án WB đã thu được hiệu quả rõ rệt về tính bền vững trong công tác quản lý, vận hành. Đây là một mô hình mới về quản lý vận hành công trình cấp NS và VSMT nông thôn góp phần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp NS và VSMT nông thôn;
Phối kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thuộc 4 tỉnh nằm trong vùng Dự án WB tiếp tục triển khai thực hiện “Quỹ quay vòng vệ sinh hộ gia đình” có hiệu quả với tổng số vốn giải ngân 7,72 triệu đô la, đạt 100%. Đặc biệt tại Hải Dương từ khi bắt đầu thực hiện mô hình vốn quay vòng của Hội phụ nữ, đến nay đã lũy kế số tiền là 32,8 tỷ đồng – Trong đó, vốn từ Ngân hàng thế giới 22 tỷ đồng, đã giải quyết cho 4.930 hộ vay, gồm: Vốn quay vòng 10,75 tỷ, cho 1.936 hộ vay; tiền gửi tiết kiệm: 3,5 tỷ, cho 891 hộ vay để phát triển kinh tế gia đình. Số tiền lãi thu được đã trích lập các loại quỹ theo đúng quy định của WB.
Trong bối cảnh Chính phủ cắt giảm chi tiêu ngân sách, khuyến khích giải ngân vốn ODA; ngoài việc quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế truyền thống (WB, ADB, Unicef, DANIDA, AUSAID, JICA…) để giải ngân 100% vốn nước ngoài và thu hút thêm nguồn viện trợ, Trung tâm tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với các tổ chức như: Đông tây hội ngộ, Plan, PSI, EAST… nhằm tăng thêm nguồn đầu tư. Đặc biệt năm 2011 Trung tâm đã hoàn thành các thủ tục để tiếp nhận 633 nghìn đô la do tổ chức LienAid tài trợ không hoàn lại cho giai đoạn 2011 – 2014 để cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh khoản vốn vay bổ sung 65 triệu đô la cho 4 tỉnh thuộc Dự án WB, hiện nay Trung tâm đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị giai đoạn 2 triển khai ở 8 tỉnh với kinh phí vay ưu đãi trên 200 triệu đô la.
Đối với công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, theo kinh nghiệm từ các năm trước, Trung tâm đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn, sẵn sàng trợ giúp giải quyết khó khăn cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Cụ thể ngay từ đầu năm 2011, Trung tâm đã phát hành công văn đến các tỉnh thường xuyên bị thiên tai, để đôn đốc chuẩn bị ứng phó. Đồng thời hướng dẫn cho các địa phương kỹ thuật khắc phục công trình và phương pháp xử lý hóa chất để tạo nguồn nước sinh hoạt khẩn cấp cho nhân dân. Trong đợt bão lụt vừa qua, Trung tâm đã hỗ trợ hóa chất xử lý nước kịp thời cho 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mỗi tỉnh 625 nghìn viên Aquatabs. Số hóa chất này xử lý được 25.000m3 khối nước sạch, đảm bảo được cho 250.000 người dân sử dụng trong vòng 10 ngày với tiêu chuẩn 10lít/người/ngày.
Song song với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm, một số hoạt động xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, cũng luôn được Lãnh đạo, công đoàn, phụ nữ cơ quan đặc biệt quan tâm, như: Quán triệt tốt việc thực hiện kế hoạch phòng chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan; Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên chức, nhằm đáp ứng với tình hình nhiệm vụ cấp nước sạch và vệ sinh, trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới. Ngoài ra, công tác chăm lo cải thiện đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên cũng được cơ quan hết sức quan tâm. Trong năm, Công đoàn cơ quan đã tổ chức khám bệnh định kỳ cho các cán bộ lớn tuổi; Tổ chức tham quan nghỉ mát, đặc biệt đã tổ chức buổi giao lưu “văn hóa, nghệ thuật, thể thao” với các Trung tâm tỉnh phía Bắc nhân ngày 20/10. Thông qua buổi giao lưu như thế này, cán bộ các Trung tâm nước tỉnh có cơ hội gặp gỡ trao đổi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao kiến thức, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Speak Your Mind