Hơn 11 triệu người sử dụng nước giếng trong vùng châu thổ sông Hồng, gần Hà Nội, đang có nguy cơ nhiễm thạch tín (asen) tiềm ẩn, với nồng độ chất này trong nước uống trung bình cao gấp 50 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế Việt Nam.
Trên tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Môi trường của Hội hoá học Mỹ, nhóm nghiên cứu của Michael Berg thuộc Viện Hoá học Môi trường Thuỵ Sĩ kết hợp với Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết họ đã phát hiện nồng độ thạch tín trong 69 giếng nước vượt quá chỉ số trung bình 50 microgam/lít (tiêu chuẩn nước ăn uống của Bộ Y tế), mức tối đa là 3.000 microgam/lít. Mặc dù vậy, đến nay chưa có một ca nhiễm độc nào được chính thức công bố.
“Ở vùng nông thôn, nước chưa qua xử lý được sử dụng trực tiếp làm nước uống. Hàng triệu người hoàn toàn không biết họ có nguy cơ bị nhiễm độc”, Michael Berg khẳng định.
Một trường hợp nước nhiễm thạch tín tương tự mới được phát hiện tại một vùng nằm giữa Ấn Độ và Bangladesh, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “vụ nhiễm độc dân cư lớn nhất trong lịch sử”.
Thạch tín với liều nhỏ có thể gây những căn bệnh ngoài da, các rối loạn thần kinh và tim mạch. Về lâu dài, tiếp xúc với thạch tín nhiều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Với liều cao, thạch tín có thể gây tử vong.
Theo: Vnexpress