Tất cả những nguồn nước thải kinh hãi kia ngày lại ngày, tháng lại tháng và năm lại năm… cứ lặng lẽ chảy vào hồ, vào sông. Chẳng có gì ngoa ngoắt khi chúng ta gọi nguồn nước thải đó là “ nước độc”. Nếu chúng ta vẽ sơ đồ hết sức đơn giản về đường đi của nguồn nước kia thì có lẽ chúng ta sẽ thà chết khát chứ không dám ngửa cổ uống một cách tự do như thế.
Sơ đồ đường đi của nguồn nước này như sau: Nước thải kinh hoàng từ bệnh viện, từ các nhà máy, từ các nghĩa địa, từ các lò mổ gia súc, từ các thùng rác của hàng triệu gia đình… đi qua hệ thống xử lý ít ỏi và đơn giản và chảy vào hồ, vào sông. Rồi nguồn “nước độc” ấy chảy qua một một vài hệ thống xử lý nước sạch và chảy vào bể, vào bình, vào chai v.v… và chảy vào miệng con người. Nhìn cái sơ đồ ấy, chúng ta mới thấy chúng ta thực sự đang ngửa cổ uống nguồn “nước độc” giống như những kẻ tự tử.
Một thực tế cho thấy: 40% dân số thành thị đang phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Thậm chí không phải tất cả 60% dân số còn lại được dùng đủ nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng hơn nữa, theo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, số lượng người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên. Trên thực tế, 88% các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến nguồn nước không sạch. Hàng triệu người dân Việt Nam đang sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm asen, tác nhân gây ra các căn bệnh ung thư, còi xương, tiểu đường và máu trắng.
Hầu hết ao hồ và sông ngòi tại Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng và ở mức báo động đỏ hiện nay. Trong tất cả các hồ chứa nước ở thủ đô, đáng lưu ý là hệ thống hồ trong Công viên Yên Sở, nằm cách Hà Nội 6 km về phía Nam, được coi là thùng chứa nước thải của Hà Nội. Bởi Yên Sở tiếp nhận hơn 50% lượng nước thải của Hà Nội. Hệ thống ao hồ trong Công viên Yên Sở đã bị ô nhiễm nặng, tù đọng với chất thải và phát ra mùi hôi thối khó chịu. Người dân trong khu vực này không chỉ không có đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu mà điều kiện sống của họ còn bị đe dọa nghiêm trọng chính vì nhiều khu vực trong công viên cũng là nơi nuôi dưỡng mầm mống của dịch bệnh. Quá nhiều công dân của thủ đô đã không hề có ý thức bảo vệ nguồn nước của chính mình. Chúng ta chẳng bao giờ thấy yên tâm về môi trường của chúng ta. Ngược lại, chúng ta là những kẻ gián tiếp đầu độc chính mình. Khi chúng ta chưa kêu gọi được ý thức của người dân bảo vệ nguồn nước mà họ đang uống hàng ngày thì việc xây dựng các hệ thống xử lý nước sạch là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu lấy hàng triệu người đang ngày ngày vô tư uống một thứ nước mà ta có thể gọi là “nước độc ”.
Không phải Ông Bụt mà là một Dự án:
Thông qua Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gamuda Land Việt Nam, tập đoàn sẽ tham gia vào việc tái tạo công viên Yên Sở hiện nay thành một công viên công cộng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế với những hồ nước sạch và một hệ thống vệ sinh hiện đại, góp phần vào việc khuyến khích những lối sống mang tính văn hóa và cộng đồng cao, đồng thời cũng tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế, đầu tư, việc làm và du lịch ở phía Nam Hà Nội.
Một trong những phần quan trọng và đáng chú ý nhất của dự án này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất tại công viên Yên Sở với số tiền đầu tư vào nhà máy này là 253 triệu USD. Nhà máy xử lý nước thải có công suất 195,000 m3/ ngày, có khả năng xử lý một nửa lượng nước thải của Hà Nội, phục vụ khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người dân Hà Nội và giúp giảm thiểu lượng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông Hồng. Hiện nay, dự án này đang được thi công và 5 hồ nước bị ô nhiễm nặng trong Công viên Yên sở đang được tiến hành nạo vét và làm sạch.
Dự án công viên Yên Sở sẽ cải tạo công viên hiện tại thành một công viên sạch đẹp mang tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các khu trường học, triển lãm và bảo tồn văn hóa. Không chỉ có nhà máy xử lý nước thải giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước tại các ao, hồ trong khu vực mà bản thân công viên Yên Sở cũng mang lại một môi trường sống tốt hơn và trong lành hơn cho người dân Hà Nội bằng cách cung cấp nước sạch, phục vụ tưới tiêu, đồng thời nâng cấp môi trường xung quanh nhờ xây dựng một không gian thư giãn, giải trí hiện đại.
Tôi còn nhớ câu chuyện về một “ông Bụt” hiện ra chữa bệnh loà mắt cho cả một làng. Làng này có tên là làng Vĩnh ở Hà Tây. Cả làng có một cái giếng ở giữa làng. Tất cả nước sinh hoạt của dân làng đều lấy từ cái giếng này. Không hiểu vì sao mà làng này đời này qua đời khác đều bị bệnh toét mắt rồi dẫn đến loà. Nhưng một ngày, có một người làm nghề bẫy chim ngói đi qua. Khi biết chuyện cả làng mắc bệnh toét mắt, ông đi quanh làng xem xét rồi chỉ cho dân làng cách nạo vét và giữ sạch giếng nước. Từ đó, dân làng không ai mắc bệnh toét mắt dẫn đến mù loà nữa. Dân làng Vĩnh tin rằng người đàn ông làm nghề bẫy chim ngói là một ông Bụt đến để giúp họ. Vì thế cứ vào tháng Mười hàng năm, người làng Vĩnh thổi xôi với chim ngói mang ra giếng làng thắp hương để nhớ tới công ơn của ông. Câu chuyện này về bản chất giống các dự án làm nước sạch trong thời hiện đại mà thôi.