Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các cấp các ngành hết sức quan tâm. Thông qua các Chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT, Chương trình xây dựng nông thôn mới… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay phát triển nông nghiệp, nông thôn đang phát sinh nhiều vấn đề như: Xản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, phát triển kinh tế không gắn với nhiệm vụ phải bảo vệ môi trường dẫn tới suy giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
1. Hiện trạng cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Vĩnh Phúc qua các chỉ số Theo kết quả điều tra – theo dõi, đánh giá về NS&VSMTNT năm 2009 – 2010 của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Vĩnh Phúc và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1423/QĐ-UBND, ngày 17/6/2011. Kết quả điều tra cụ thể như sau:
– Chỉ số 1: Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 63,79%.
– Chỉ số 2: Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (QC) 02/BYT: 45,14%.
– Chỉ số 3:
+ Tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh: 35,7%;
+ Tỷ lệ trường học sử dụng nước sạch đạt QC 02/BYT: 71,4%.
– Chỉ số 4:
+ Tỷ lệ trạm Y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh: 90,5%;
+ Tỷ lệ trạm Y tế có nước đạt QC 02/BYT: 61,9%.
– Chỉ số 5:
+ Tỷ lệ công trình công cộng (chợ, trụ sở UBND xã) có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh: 68,37%;
+ Tỷ lệ công trình công cộng (chợ, trụ sở UBND xã) có nước đạt QC 02/BYT: 63%.
– Chỉ số 6: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo TC 08: 47,12%.
– Chỉ số 7: Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh: 38,93%.
– Chỉ số 8: Tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, rác thải: 0%.
– Chỉ số 9: Tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án cho nước sạch và vệ sinh môi trường: 94.369.520.000 đồng.
– Chỉ số 12: Suất đầu tư bình quân xây dựng công trình cấp nước tập trung: 683.000 đồng/người.
– Chỉ số 13: Tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững: 14,3%.
– Chỉ số 14: Tỷ lệ các loại mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung hiện có 14 công trình đang hoạt động trên tổng số 35 công trình, trong đó:
+ Mô hình cộng đồng: 05 công trình, chiếm 35,71 % số công trình đang hoạt động;
+ Mô hình hợp tác xã: 01 công trình, chiếm 7,14% số công trình đang hoạt động;
+ Mô hình Trung tâm Nước SH&VSMTNT: 02 công trình, chiếm 14,29% số công trình đang hoạt động;
+ Mô hình doanh nghiệm: 06 công trình, chiếm 42,86% số công trình đang hoạt động.
2. Đánh giá kết quả đã đạt được
– Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 – 2010 đề ra:
+ Về cấp nước: 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch với mức 60 lít/người/ngày.
+ Về vệ sinh môi trường: 70% số hộ gia đình sống ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; đảm bảo 70% số hộ nông dân có chuồng, trại hợp vệ sinh,
+ Cố gắng tập trung đến 2010 tất cả các nhà trẻ, trường tiểu học, trường mầm non, trạm xá, trụ sở xã ở nông thôn có đủ nước sạch và có đủ nhà tiêu hợp vệ sinh; từng bước giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường ở các làng nghề…
– Nhìn lại kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình thì kết quả đạt được còn nhiều hạn chế:
+ Tỷ lệ hộ gia đình có nước sinh hoạt, nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh còn thấp.
+ Vẫn còn những trường học, trạm y tế, chợ, UBND xã các điều kiện về nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh chưa được đảm bảo;
+ Một số làng nghề trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được quy hoạch nhưng tất cả vẫn hoạt động tại hộ gia đình xen kẽ trong khu dân cư, rất khó khăn cho công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các nguồn này.
3. Kết luận và kiến nghị Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên bức xúc và nghiêm trọng. Chất lượng nước sinh hoạt suy giảm cả về chất lượng và số lượng do ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Do vậy cần phải có các giải pháp phù hợp, kịp thời để từng bước giải quyết các vấn đề nêu trên, cụ thể như:
– Phát triển kinh tế xã hội cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể và phải có sự động bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương;
– Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về NS&VSMTNT với sức khỏe cộng đồng. Phát huy nội lực của dân trong việc đầu tư cho lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
– Hỗ trợ người dân một phần kinh phí đầu xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường thông qua các chương trình, dự án nhằm tạo mô hình điểm thu hút sự đầu tư của người dân.
– Giải pháp trước mắt để tăng tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đối với những vùng khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cần phải được ứng dụng các công nghệ sử lý nước ngay tại hộ gia đình. Về lâu dài cần phải được đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung theo quy mô xã hay liên xã nhằm đảm bảo khai thác nguồn nước hiệu quả mang tính bền vững.
– Tăng cường các khoản vay ưu đãi, tín dụng cho lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường. TT Nước SH&VSMT nông thôn Vĩnh Phúc
Speak Your Mind